Nước sạch và vấn đề an ninh nguồn nước khu vực nông thôn đang được chú tâm hơn bao giờ hết

KHPTO – Hiện nay, người dùng thường theo cảm quan, nhìn nước trong, không màu, không mùi thì cho là sạch, tốt. Tuy nhiên, để biết nguồn nước có đảm bảo chất lượng, phải có xét nghiệm, đánh giá, kiểm tra định kỳ của cơ quan chuyên môn và ngành chức năng.

Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt

Quy chuẩn này rất nghiêm ngặt, xét nghiệm đến 99 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Theo đó, nước sạch là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.
Nước dùng được cho mục đích sinh hoạt, hoặc sử dụng để chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến. Tuy nhiên, không phải là nước uống trực tiếp.
Để đảm bảo cung cấp nguồn nước an toàn và chất lượng, đòi hỏi các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt phải thực hiện xét nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng nước sinh hoạt định kỳ theo quy định của Bộ y tế.
Đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải tiến hành đánh giá hợp quy theo phương thức đánh giá sự phù hợp theo quy định của Bộ khoa học và công nghệ và gửi bản tự công bố hợp quy về Sở y tế.
Việc kiểm tra chất lượng nước cấp định kỳ (cơ sở cung cấp nước thực hiện chế độ nội kiểm) căn cứ theo Thông tư số 04/2009/ TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ y tế về việc ban hành QCVN 01:2009/BYT áp dụng đối với các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, thì cơ sở cung cấp nước phải nội kiểm xét nghiệm chất lượng nước hàng tuần.
Ngoài ra, theo quy định của Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ y tế về việc ban hành QCVN 02:2009/ BYT áp dụng đối với các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất thiết kế dưới 1.000 m3/ ngày đêm, thì cơ sở cung cấp nước phải tự kiểm nghiệm chất lượng nước ít nhất 3 tháng/lần.
Tất cả các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm.
Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM trong năm 2018 cho thấy, 58% nước giếng khoan tại quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn có độ pH thấp; 13,5% nước giếng khoan có hàm lượng amoni cao và khoảng 5% trong số đó có chỉ tiêu vi sinh không đạt. Từ kết quả này, các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên khai thác một ít nước giếng khoan dùng cho sản xuất nông nghiệp, vệ sinh, còn muốn sử dụng nước cho ăn uống, chế biến thực phẩm thì phải dùng nước máy.